Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Mặt đất ở TP.HCM đang lún dần xuống



Quá trình đô thị hóa nhanh và khai thác nư­ớc ngầm quy mô lớn là những nguyên nhân góp phần làm hạ thấp mặt đất nhiều nơi ở TP.HCM
Quá trình đô thị hóa ở TP.HCM, cùng với phát triển nhiều khu công nghiệp mới đã gia tăng nhu cầu rất lớn về cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, nhiều công trình nhà cao tầng được xây dựng làm gia tăng áp lực lên mặt đất, đã góp phần gây biến dạng lún. Thực tế đã xuất hiện trình trạng hạ thấp mặt đất cục bộ xung quanh các giếng khai thác nước ngầm tại một số khu vực thuộc các quận 6, 11, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, gây ra hiện tượng các giếng khoan bị trồi ống chống từ 3 cm đến 30 cm.

Nghiên cứu cho thấy kỹ thuật INSAR Dua Sensor cho phép xử lý thành công trong việc kết hợp hai tập dữ liệu ảnh SAR ERS và ENVISAT, để thấy được diễn biến lún đất liên tục theo thời gian từ năm 1996 đến 2010 khu vực TP .HCM. Kết quả phân tích diễn biến lún mặt đất khá phù hợp với quá trình đô thị hoá và phát triển các khu công nghiệp của thành phố, từ năm 1996 đến năm 2000 các vùng lún xuất hiện rất ít và có tốc độ lún chậm, từ năm 2000 đến 2010 thì xuất hiện nhiều vùng lún hơn và có tốc độ lún diễn ra rất nhanh. Kết quả cũng cho thấy nhiều khu vực ở TP.HCM đã và đang xảy ra sự hạ thấp mặt đất đáng đáng kể với vận tốc lún đất trên l0 mm/năm như: khu vực Q. Bình Thạnh, Q.9, Q. Thủ Đức, Q.6, Q .7, Q.8. Do tác động đồng thời sự hạ thấp mặt đất và dâng cao của đỉnh triều trên địa bàn thành phố, sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng các tuyến ngập triều tại các khu vực trên nếu có địa hình thấp dưới 2 m.